Lâm Đồng là tỉnh thuộc khu vực Nam Tây Nguyên của Việt Nam ở độ cao chênh lệch từ 300-1.500m so với mặt nước biển, với độ cao này, Lâm Đồng có nền nhiệt độ lý tưởng từ 18-25oC và được xếp vào ngưỡng nhiệt xứ ôn đới đặc biệt thuận lợi cho phát triển rau, hoa, trà, cà phê. Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính gồm 10 huyện và 2 thành phố; thành phố Đà Lạt là Trung tâm hành chính kinh tế, chính trị của tỉnh, trong tương lai sẽ trở thành thành phố tăng trưởng xanh, đô thị di sản; hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người với 43 dân tộc sinh sống.
Phía Nam và Đông Nam tỉnh Lâm Đồng giáp tỉnh Bình Thuận, phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa – tỉnh Ninh Thuận, phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông và phía Tây Nam giáp tỉnh Đồng Nai – tỉnh Bình Phước. Lâm Đồng còn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – là Khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đây là bước đệm để Lâm Đồng phát triển thế mạnh, khơi dậy tiềm năng mà không phải địa phương nào cũng có được.
Lâm Đồng cũng là vùng phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh, đặc biệt là sản xuất rau, hoa, chè… thích ứng với biến đổi khí hậu; là trung tâm công nghiệp khai thác và chế biến quặng bauxite; alumin; công nghiệp chế biến nhôm và chế tạo.
Là tỉnh sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch, với Thành phố Đà Lạt là vùng đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, kiến trúc.
Thành phố Đà Lạt. Ảnh: Bảo Lâm
Văn học dân gian của Lâm Đồng khá phong phú, nghệ thuật ở Lâm Đồng được hình thành trên nền văn hoá Việt với những nét đặc sắc được thể hiện qua những phong tục, tập quán văn hoá của các dân tộc thiểu số bản địa. Sự phối hợp giữa các yếu tố văn hoá này với nhau tạo thành nét riêng cho văn hoá Lâm Đồng nói chung và nghệ thuật nói riêng.
Lễ hội tại Lâm Đồng cũng rất phong phú, các lễ hội lớn gồm Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội văn hoá trà được tổ chức hai năm một lần và rất nhiều lễ hội văn hóa dân tộc ở Lâm Đồng được tổ chức mỗi năm như Lễ hội Cồng Chiêng, Lễ hội đâm trâu, Lễ cúng Thần Suối, Lễ cúng thần Bơmung, lễ cúng Cơm Mới…
Toàn cảnh không gian văn hoá tâm linh Samten Ling, Samten Hills Dalat. Ảnh: Samten Hills Dalat
Theo đó, có nhiều loại hình du lịch mà tỉnh Lâm Đồng tập trung phát triển mạnh mẽ hơn là Du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch MICE, du lịch sinh thái, du lịch canh nông và du lịch thể thao mạo hiểm. Qua đó, hình thành các sản phẩm du lịch truyền thống các dân tộc thiểu số địa phương, du lịch tâm linh, khuyến khích nghiên cứu sản xuất sản phẩm tiểu thủ công nghiệp. Kết hợp các bên cung ứng dịch vụ MICE nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách; phát triển du lịch tham quan, nghiên cứu hệ động, thực vật tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, Bidoup – Núi Bà, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang. Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đu dây vượt thác, leo núi, đi bộ trong rừng, chèo thuyền vượt ghềnh thác…
Tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch, công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp phát triển ngành du lịch cả về chiều rộng và chiều sâu, vận hành theo cơ chế thị trường; chú trọng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng và giá trị cao; cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Lâm Đồng; quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện.
Có thể thấy, Kế hoạch đã tạo ra sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng để hình thành chuỗi giá trị du lịch; phát huy các nguồn lực để du lịch phát triển đạt hiệu quả cao; ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch trên địa bàn.
Đồng thời cũng hướng đến mục tiêu phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh Lâm Đồng trên cơ sở phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch thông qua các chương trình, đề án, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; cụ thể hóa các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trên lĩnh vực du lịch đối với các khu du lịch quốc gia, khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với đô thị du lịch Đà Lạt.
Phát triển du lịch nông nghiệp…
Những năm qua, không chỉ ở TP Đà Lạt, tại các địa phương của Lâm Đồng, du lịch cũng được đầu tư và phát triển mạnh mẽ, mỗi địa phương đều tận dụng lợi thế của mình để thu hút khách du lịch. Tại huyện Đức Trọng, du lịch nông nghiệp đang là hướng đi đúng đắn mà địa phương này lựa chọn.
Lâm Đồng đột phá bằng nông nghiệp công nghệ cao Ảnh: Du lịch Đà Lạt
Trên địa bàn đã có khá nhiều điểm du lịch canh nông thu hút du khách tới thăm quan, và mua sắm sản phẩm, các khu du lịch canh nông ở Đức Trọng được hình thành và phát triển đã góp phần khẳng định giá trị đặc trưng của các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, đồng thời tạo ra hình thức du lịch mới thu hút nhiều du khách tham quan mua sắm…
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lâm Hà đang hình thành các sản phẩm du lịch, cụm du lịch và các tuyến du lịch. Đó là du lịch tham quan tại Khu Du lịch Thác Voi, Chùa Linh Ẩn; du lịch nông nghiệp với sản phẩm du lịch tham quan mô hình trồng trọt, sản xuất, thu hoạch, chế biến chè, thưởng thức nước uống, thức ăn được chế biến từ chè ở Công ty Cổ phần Long Đỉnh; tham quan tìm hiểu mô hình nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa tại Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất Tơ lụa và Dịch vụ Du lịch Cường Hoàn, thị trấn Nam Ban, hay tham quan, tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc cà phê chồn và thưởng thức cà phê chồn.v.v…
Xác định du lịch canh nông, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng là sản phẩm du lịch mới, có tính cạnh tranh cao, có nét đặc trưng khác biệt mang thương hiệu của huyện; do đó, Lạc Dương đã gắn việc mở rộng nhiều loại hình du lịch lợi thế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch với các loại hình kinh tế, từ đó phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương.
Có thể thấy, với định hướng đúng đắn về phát triển lợi thế tiềm năng du lịch ở Lâm Đồng theo hướng chất lượng cao, xây dựng TP Đà Lạt trở thành đô thị du lịch, thực hiện tốt cơ chế, chính sách về phát triển du lịch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho phát triển du lịch; đồng thời, tạo động lực phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về du lịch, gắn với bảo tồn các giá trị tự nhiên, môi trường sinh thái và truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong GRDP của tỉnh; tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao, mang thương hiệu du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân, gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương, khu vực kém phát triển, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực kinh tế – xã hội khác cùng phát triển…